Description
Trong “Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương 2”, tác giả Cù Mai Công tiếp tục đưa bạn đọc ghé thăm từng căn nhà, giới thiệu từng nếp sống của những gia đình Sài Gòn xưa.
Vốn thích lang thang ngoài đường suốt cả thời niên thiếu, Cù Mai Công đã có những “tài sản” vô giá về những điều “tai nghe mắt thấy” trong nhịp sống vô cùng phong phú của Sài Gòn ở một giai đoạn rất đặc biệt. Mặc dù không tự nhận là nhà nghiên cứu nhưng tác giả luôn có những phát hiện mới mẻ, thú vị mà ít nhà nghiên cứu nào khai thác được. Hơn nữa, tác giả đã kết hợp những trải nghiệm của mình với những tư liệu sẵn có để rồi đưa ra những phát hiện rất thuyết phục mà ít ai ngờ được.
Trong phần “Sài Gòn là thương”, tác giả tiếp tục chia sẻ về chợ Bến Thành – một biểu tượng quá quen thuộc tưởng chừng như ai cũng biết nhưng vẫn có những thứ khiến ta bất ngờ. Ví như, ít ai biết rằng từng có những chiếc cầu đi bộ được dựng lên ngay trước cổng Nam của chợ. Hoặc, ít ai có thể hình dung được nơi đây từng có những bến xe hoạt động nhộn nhịp suốt ngày đêm.
Kể hết chuyện Bến Thành, tác giả lại dắt bạn dạo quanh những trục đường chính của trung tâm Sài Gòn để kể về chuyện đời của chúng. Có lẽ bạn đọc sẽ ngạc nhiên khi biết rằng, nhiều “cung đường vàng” đắt đỏ bậc nhất của Sài Gòn ngày nay đã từng là những kênh rạch ngoằn nghèo vào những buổi sơ khai.
Điểm đặc biệt ở cuốn sách này là tác giả đã dành phần lớn không gian để chia sẻ về kiến trúc hiện đại miền Nam – một sự sáng tạo mang dấu ấn riêng của người Việt vốn được các kiến trúc sư thế giới khen ngợi – nhưng ngày nay đã bị lãng quên. Cù Mai Công đã rất tâm huyết khi cất công đi từng ngôi nhà, từng căn biệt thự tiêu biểu của phong cách này để chọn ra giới thiệu với bạn đọc.
Thông qua ngôn ngữ kiến trúc được trình bày một cách dễ hiểu, chúng ta có thể cảm nhận được tinh thần dân tộc của những vị kiến trúc sư người Việt đã cố gắng bản địa hóa kiến trúc như thế nào, không chỉ về mặt mỹ thuật mà còn về công năng sử dụng sao cho phù hợp với tình hình khí hậu đặc trưng của vùng nhiệt đới. Hơn hết, qua góc nhìn sâu sắc của tác giả, bạn đọc có thể cảm nhận được mỗi ngôi nhà không chỉ là khối bê tông khô cứng mà phía sau còn có cả những câu chuyện buồn vui của những chủ nhân, những gia đình đã từng sống tại nơi đây.
Một điểm đặc biệt và quý giá của cuốn sách là những hình ảnh quý hiếm cùng những câu chuyện có thật được cung cấp bởi chính gia đình những vị kiến trúc sư tài ba xưa kia, những người đã tạo nên một thời kỳ rực rỡ của kiến trúc hiện đại miền Nam.
Trong phần “Gia Định là nhớ” lần này, Cù Mai Công sẽ dẫn bạn đi xa hơn về vùng ngoại vi Ông Tạ như: Lăng Cha Cả, công viên Hoàng Văn Thụ, đường Nguyễn Trọng Tuyển… Ít ai biết rằng nơi đây cũng từng có một “vườn hoang” hơn mười hecta cạnh hai khu mộ cổ “bí ẩn” xưa hàng thế kỷ và từng có bệnh viện lớn nhất của Mỹ ở miền Nam trước 1975… Ít ai biết ở ngoại ô Sài Gòn còn cất giữ bao phận đời, bao kiếp người tảo tần, ngược xuôi ngang dọc,và cả những tên tuổi văn nghệ sĩ Bắc – Trung – Nam lừng lẫy một thời, như Vân Hùng, Nguyễn Ngọc Bạch, Nguyễn Văn Đông, cặp nghệ sĩ Kim Hoàng – Như Mai…
Rốt cuộc, cho dù tác giả có lúc viết về những đại lộ sang trọng hay những con hẻm nhỏ ngoằn nghèo, về biệt thự của một chính khách hay một hàng quán vỉa hè, về một nghệ sĩ nổi tiếng hay một nhà giáo vô danh… chúng ta đều thấy vượt lên những chủ đề tưởng như khô khan đó là những phận đời thăng trầm, về tình người ấm áp của những bà con di cư “chân ướt chân ráo” trong những ngày đầu tiên về vùng đất mới; là sự hòa nhập của những người từ các vùng miền khác nhau với tinh thần cởi mở; là những nếp nhà có thể gìn giữ nguyên vẹn suốt nhiều thế hệ; là đạo đức của những người thầy vẫn sáng ngời cho dù trải qua bao thăng trầm thời cuộc…
Chỉ với lát cắt của những mảnh đời trong một khu vực rộng chừng 7km2, chúng ta như thấy được toàn bộ bức tranh của Sài Gòn suốt 3 thế kỷ. Có cảm tưởng như những vốn liếng hiểu biết, ký ức và tình cảm của Cù Mai Công đối với vùng đất này là vô tận, kể mãi cũng không bao giờ hết những câu chuyện hay và ý nghĩa.
*Về tác giả
Cù Mai Công tốt nghiệp khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh với số điểm hạng 4 trên gần 200 sinh viên khóa học 1980 – 1984.
Từ 1985 đến nay, ông làm phóng viên, biên tập viên, thư ký tòa soạn cho các tòa báo: Khăn Quàng Đỏ, Mực Tím, Tuổi Trẻ, Tuổi Trẻ Cười, Tuổi Trẻ Online. Ông phản ánh, ghi nhận những hoạt động phong trào của Đoàn, Đội, Hội và lối sống của giới trẻ TP.HCM.
Hai lĩnh vực trong nghề báo mà Cù Mai Công được độc giả biết đến nhiều nhất là khi ông cho ra mắt, nhân vật « Anh Cỏ Cú », phụ trách một chuyên mục tại báo Mực Tím từ số 1 đến số 89 (1988 – 1993) và thực hiện gần 200 bài viết, phóng sự về cuộc sống về đêm của giới trẻ TP.HCM trên báo Tuổi Trẻ từ 1994 – 2004. Từ những hoạt động tích cực trong nghề báo, năm 2005, Cù Mai Công đã được bình chọn là một trong 30 « Gương mặt trẻ của thành phố 30 năm » tại Đại hội Thanh niên tiên tiến Thành phố Hồ Chí Minh.
Các tác phẩm đã xuất bản: “Sài Gòn by night” tập 1, 2, 3, 4, 5, 6; “Tuổi mực tím Sài Gòn”; “Sài Gòn một thuở: Dân Ông Tạ đó”, “Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương”.
Avis
Il n’y a pas encore d’avis.